News

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTIC VN

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025. Đây được coi là văn bản quan trọng quyết định sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh.

Ke hoach hanh dong nang cao nang luc canh tranh va phat trien dich vu logistic VN - Anh 1

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng cao, logistics ngày càng có vai trò quan trọng. Kết hợp thêm với cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vai trò của dịch vụ logistics ngày càng trở nên quan trọng bởi logistics chính là nền tảng quyết định sự tồn tại của chuỗi cung ứng. Trong một chuỗi cung ứng khép kín, dịch vụ logistics càng chất lượng, chi phí càng cạnh tranh thì sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa càng cao.

Đánh giá về thực trạng ngành logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng hiện trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp. Bởi thứ nhất, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics của ta vẫn quá ít, chỉ vào khoảng 1.300-1.500 doanh nghiệp . Thứ hai, mức độ đóng góp cho nền kinh tế của ngành dịch vụ logistics còn thấp, mới chỉ vào khoảng 2-3% GDP. Thứ ba, tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistics chưa cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại vẫn phải tự thực hiện các dịch vụ logistics, khiến hoạt động này kém hiệu quả.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam chia sẻ thêm, hiện vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp logistics chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 72% (vốn dưới 20 tỷ đồng) với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đáng chú ý, gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, chỉ có 20% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam, “miếng bánh” lớn 80% còn lại ở trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

Logistics đóng vai trò quan trọng với sức cạnh tranh của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, nhưng hiện chi phí logistics của nước ta còn tương đối cao, tương đương với khoảng hơn 20% GDP, gần gấp đôi so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ tập trung ở các địa phương trung tâm như Hà Nội, TP HCM… còn khu vực được đánh giá là vựa lúa gạo, vựa thủy sản của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long thì chưa phát triển. “Vì vậy mới xảy ra tình trạng chi phí vận chuyển một con tôm từ đồng bằng sông Cửu Long lên biên giới phía Bắc còn cao hơn chi phí vận chuyển một con tôm từ Ecuador về Việt Nam” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện phát triển logistics, đưa hoạt động này lên 1 tầm cao mới bởi thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta đang rất sôi động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 300 tỷ USD năm 2016. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất của kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 mới được Chính phủ ban hành vào ngày 14/2/2017 tại Quyết định số 200-QĐ/TTg.

kế hoạch hành động đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực. Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.

Nhằm đạt được mục tiêu này, ông Lê Duy Hiệp đề xuất, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải cần thành lập 1 bộ phận quản lý riêng về logistics. Vai trò của các địa phương cũng cần phải được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ hiệp hội và các doanh nghiệp thành lập các trung tâm logistics lớn. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được hỗ trợ mạnh hơn bởi hiện tại doanh nghiệp rất khó khăn vì đang tự “bơi” trong nhiều khâu.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để phục vụ cho thị trường logistics của Hà Nội với 9 triệu dân, hiện đã có 2 doanh nghiệp đầu tư vào 2 trung tâm logistics lớn tại Sóc Sơn và Phú Xuyên. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp logistics đầu tư vào 2 trung tâm này, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai phát triển các cảng cạn tại Gia Lâm và Hoài Đức.

“Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển các trung tâm logistics, Sở Công Thương cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm ban hành quy chuẩn thiết kế trung tâm logistics, làm căn cứ để các doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư vào các hạng mục như đường xá, kho bãi, cảng biển. Đồng thời cho phép thành lập những những kho hàng nhỏ, cấp 3, cấp 4 để phù hợp với các huyện tập trung cả nhà kho, đường xá, nhà ở, nhà máy sản xuất. Đặc biệt, có giải pháp kết nối các trung tâm logistics địa phương với hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy để không chỉ phục vụ Hà Nội mà còn phục vụ các địa phương lân cận” - ông Hải cho hay.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá là một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam. Theo đó, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo chia sẻ, Bộ đã chính thức đưa chương trình logistics vào đào tạo trong năm học tới. Tuy nhiên, cần phải có được sự phối hợp của các hiệp hội, doanh nghiệp để đáp ứng được đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên báo Công Thương, ông Mai Nhật Minh - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ triển lãm và Logistics (ESL) - cho hay, các doanh nghiệp logistics kỳ vọng kế hoạch hành động sẽ giúp cải tiến đồng bộ các thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp rút ngắn được thời gian thông quan các lô hàng; giúp hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa các cơ sở khai thác hàng hóa tại các cảng biển và sân bay cũng như các hạ tầng cơ sở nói chung, giúp việc khai thác hàng hóa của doanh nghiệp được thực hiện thuận tiện, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

“Đặc biệt, logistics là một loại hình dịch vụ trọn gói từ khâu lên kế hoạch, chuẩn bị và cung cấp dịch vụ. Để thực hiện được dịch vụ này, khi triển khai kế hoạch, các doanh nghiệp logistics rất cần sự hỗ trợ để tạo sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu. Chính sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp logistics nâng cao được chất lượng dịch vụ”- ông Minh chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

SAIGONSHIP DA NANG JOINT STOCK COMPANY
   Lot B 1- 6 Tho Quang Sea Products Services Industrial Zone, Son Tra District, Danang city, Vietnam
 0236.3943349
  info@saigonshipdanang.com       www.saigonshipdanang.com