News

Xe quả tải ở Đà Nẵng: Đánh trống bỏ dùi?

Sau một thời gian dài triển khai Thông tư 46/2015/TT-BGTV, lực lượng CSGT và TTGT các địa phương đã phối hợp ra quân TTKS tình trạng xe vận chuyển hàng quá tải giảm hẳn. Nay lại có chiều hướng tái diễn và bùng phát trở lại.

 

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) diễn ra chiều ngày 13/7/2017, nhiều vấn đề liên quan đến xe quá tải, quá khổ lại được Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (HHVTOTO) và các thành viên Hiệp hội đặt ra. 

Trước đây, khi triển khai Thông tư 46/2015/TT-BGTVT. Tổng cục đường bộ và Cục cảnh sát đường bộ, đường sắt (PC67) Bộ Công an đã phối hợp chỉ đạo lực lượng thanh tra đường bộ cùng với lực lượng CSGT các địa phương tuần tra, kiểm soát thường xuyên nên tình trạng xe quá tải, quá khổ giảm hẳn. Các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải chở đúng tải trọng hoặc xin giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu vi phạm thì bị xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/NĐ/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, do sự phối hợp không đồng bộ giữa lực lượng CSGT và thanh tra giao thông trong thời gian qua nên tình trạng xe chở quá khổ quá tải lại tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng.

Vì sao xe quá tải lộng hành

Ngoài nguyên nhân các cơ quan quản lý nhà nước thiếu quyết liệt trong việc xử lý xe vi phạm thì một trong những nguyên nhân chính là quy trình xin giấy phép vận tải hàng siêu trường, siêu trọng quá nhiêu khê.

Theo quy định tại Thông tư 46/2015/TT-BGTVT thì thời gian cấp phép là trong vòng 2 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giao thông có rất nhiều lý do để trì hoãn việc cấp giấy phép. Trên thực tế có những doanh nghiệp nộp hồ sơ nhiều tháng trời nhưng các Sở GTVT, Cục quản lý đường bộ lại đùn đẩy trách nhiệm lên Tổng cục đường bộ mặc dù theo quy định hiện nay thẩm quyền cấp phép thuộc trách nhiệm của các Sở và các Cục quản lý đường bộ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo trở lại của Bộ GTVT hoặc Tổng cục đường bộ, các cơ quan này lại yêu cầu các doanh nghiệp phải khảo sát, thẩm định cầu đường. Yêu cầu này được cho là “đúng quy trình” tuy nhiên chính cơ quan quản lý đường bộ mới là người nắm rõ hiện trạng cầu đường nhất, có kiến thức chuyên ngành nên không có lý do gì để yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải thuê thẩm định cầu đường. Quá trình giải quyết như vậy có khi kéo dài hàng tháng trời với nhiều chi phí phát sinh. Chỉ khi nào các thủ tục hoàn chỉnh thì các Sở GTVT hoặc các Cục quản lý đường bộ mới tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, mặc dù thủ tục xin giấy phép kéo dài nhưng các cơ quan quản lý đường bộ vẫn báo cáo là tuân thủ Thông tư 46/2015/TT-BGTVT về thời hạn cấp phép vì những vấn đề “lắt léo” như trên. Việc cấp phép chậm trễ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những đơn vị vận tải chân chính, nghiêm túc. Trong khi đó các doanh nghiệp làm ăn chụp giật họ không cần xin giấy phép, vừa đỡ tốn chi phí vừa đẩy nhanh được tiến độ vận chuyển. Các doanh nghiệp này sẵn sàng tốn kém chi phí tiêu cực trên đường cho các lực lượng chức năng để bỏ qua các vi phạm. Dần dần sẽ tạo thành một hiệu ứng đô mi nô, các doanh nghiệp có uy tín, làm ăn chân chính cũng nản lòng, cũng chạy chui dẫn đến tình trạng xe quá tải bùng phát như hiện nay. Trao đổi tại cuộc làm việc trực tuyến giữa các thành viên Hiệp hội vận tải ô tô và Tổng cục đường bộ cho thấy số lượng giấy phép vận tải hàng siêu trường siêu trọng được cấp rất ít, có những Sở GTVT, Cục quản lý đường bộ trong thời gian qua không cấp giấy phép nào. Từ đó thấy rằng số lượng hàng siêu trường, siêu trọng chạy chui, không xin phép là rất lớn.

Xe vận chuyển vật liệu quá tải

 Nguyên nhân thứ hai là chế tài xử phạt hiện nay chưa mang tính răn đe nên các doanh nghiệp lờn thuốc. Theo quy định hiện hành, Bộ GTVT chỉ chế tài được các doanh nghiệp trong ngành: các cảng biển, cảng sông, các doanh nghiệp do mình quản lý. Các doanh nghiệp này nếu để xảy ra tình trạng xe chở quá tải thì lãnh đạo các doanh nghiệp đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên đối với các cảng biển, cảng sông, doanh nghiệp ngoài ngành nếu vi phạm thì Bộ GTVT rất khó xử lý. Thực tế, số lượng cảng biển, cảng sông, doanh nghiệp vận tải  ngoài ngành rất nhiều, nên mặc dù luật quy định cho phép nhưng xử lý vi phạm là câu chuyện không hề dễ dàng. Đặc biệt, đối tượng đáng bị xử lý chế tài hơn cả là các chủ hàng nhưng theo quy định hiện hành thì không thể chế tài được. Các chủ hàng thường chạy theo lợi nhuận, không quan tâm doanh nghiệp vận tải có giấy phép hoặc chở quá tải hay không. Đối với họ, giá rẻ là tiêu chí hàng đầu để chọn doanh nghiệp vận tải. Tương tự, các doanh nghiệp vận tải vì lý do cạnh tranh nên chấp nhận vận chuyển quá tải, không giấy phép nếu không doanh nghiệp cũng khó tồn tại.

Đâu là giải pháp?

Thực trạng xe quá tải vẫn có những giải pháp hữu hiệu để xử lý. Ngoài việc các cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông phải duy trì thường xuyên việc tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm minh tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua thì cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ phải đổi mới cách quản lý của mình. Để rút ngắn thời gian cấp phép hàng siêu trường siêu trọng, tránh tiêu cực nhũng nhiễu, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT cần đổi mới quy trình cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng cách triển khai cấp phép điện tử. Theo đó, doanh nghiệp vận tải sẽ gửi hồ sơ xin cấp phép qua mạng, cơ quan quản lý nhà nước xem xét và phải trả lời trong vòng 2 ngày theo quy định của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT. Các cơ quan tham mưu trực thuộc Tổng cục đường bộ, Cục đường bộ, Sở GTVT như: Vụ An toàn, Trung tâm kỹ thuật đường bộ, Phòng vận tải phải là những đơn vị thẩm định hồ sơ tham mưu cho việc cấp phép, tránh tình trạng yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải thuê đơn vị tư vấn bên ngoài thẩm định hồ sơ, mất rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp vận tải.

CSGT và TTGT phối hợp TTKS trên quốc lộ 1A

Bên cạnh việc đổi mới việc cấp phép, cần sửa đổi quy đinh pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, có thể nghiên cứu rút Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép vận tải nếu cố tình vi phạm nhiều lần. Phạm vi chế tài không những áp dụng đối với các doanh nghiệp vận tải mà phải áp dụng với cả các chủ hàng thuê vận tải. Xét về góc độ pháp lý thì các chủ hàng cũng sai phạm khi không tuân thủ quy định về an toàn đường bộ trong việc dung túng cho các doanh nghiệp vận tải chở quá tải.

Hy vọng với những giải pháp như trên, tình trạng xe quá tải sẽ giảm trong thời gian tới, tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho những doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính, hạn chế tiêu cực trong việc cấp phép cũng như vấn nạn tiêu cực trên đường. 

Duy Nghi- Xuân Phương/VTOTO

SAIGONSHIP DA NANG JOINT STOCK COMPANY
   Lot B 1- 6 Tho Quang Sea Products Services Industrial Zone, Son Tra District, Danang city, Vietnam
 0236.3943349
  info@saigonshipdanang.com       www.saigonshipdanang.com